Có quá nhiều bộ sách thiếu nhi chứa nội dung phản cảm, bạo lực, nhiều yếu tố sex... được phát hiện và làm “nóng” dư luận, các bậc cha mẹ càng quan tâm, lo lắng. Chọn sách cho con và giúp con chọn sách theo cách nào cho phù hợp từng độ tuổi trước một rừng sách hiện nay quả là không đơn giản.Nếu không đọc, các bậc phụ huynh làm sao biết trong cuốn “Truyện cổ tích về các loài chim và muông thú” (NXB Văn hóa - Thông tin) quá nhiều yếu tố sex.
Nhà thơ Cao Xuân Sơn, Giám đốc Chi nhánh NXB Kim Đồng tại TP HCM, cho rằng truyện cổ tích thường khó phân biệt lứa tuổi nhưng ngay từ khi biên soạn bộ sách, nhà sản xuất nên chủ động quy hoạch các câu chuyện cho phù hợp một độ tuổi nhất định. Nếu ấn phẩm phục vụ lứa tuổi thiếu nhi thì phải lược bớt các yếu tố “nhạy cảm”.
Bộ sách “Trắc nghiệm thông minh, tư duy sáng tạo” (NXB Dân trí và Công ty Alpha Books) khi bị phát hiện chứa quá nhiều câu hỏi bạo lực và yếu tố kinh dị, đại diện công ty sách Alpha Books cũng cho rằng đây là bộ sách dành cho tuổi 18+ nhưng khi sản xuất đã... quên không chú thích rõ dẫn tới hiểu lầm.
Về việc phân loại sách cho từng đối tượng đọc, đặc biệt là thiếu nhi, TS Quách Thu Nguyệt, nguyên Giám đốc NXB Trẻ, cho rằng: “Nếu tại các nước phát triển đều có quy định trong luật, trong các văn bản quy phạm pháp luật của ngành xuất bản thì ở ta chưa làm tốt điều này. Họ xác định đối tượng đọc là ai, nghiên cứu tâm lý từng lứa tuổi để chọn người viết và cách thể hiện cho phù hợp với từng độ tuổi. Ở Việt Nam, hiện đã dần xuất hiện những đơn vị làm sách, các NXB khi đưa ấn phẩm ra thị trường, bắt đầu xác định rõ đối tượng đọc là ai. Với sách thiếu nhi, việc ghi rõ độ tuổi ở ngay bìa sách nhằm xác định sách phù hợp với độ tuổi nào là cực kỳ cần thiết”.
Nhà thơ Cao Xuân Sơn cũng thấy rằng rất cần thiết phải phân loại ấn phẩm và nên phân loại theo các tiêu chí khác nhau, như: thể loại, giới tính và lứa tuổi. Ví dụ như sách dành cho bé gái, bé trai, sách đọc theo từng chủ đề cho nam thanh niên, nữ thanh niên, nam trưởng thành, nữ trưởng thành...
Các nhà xuất bản tại Anh, Pháp, Mỹ, Nhật và nhiều nước trên thế giới đã áp dụng hình thức phân loại sách dựa trên khả năng đọc hiểu của thiếu nhi. Trên bìa còn có thêm những dòng chú thích ngắn về việc cuốn sách thích hợp lứa tuổi nào. Ngoài ra, ngay trang đầu cuốn sách, thường sẽ có tóm tắt giới thiệu ngắn gọn nội dung chính của sách để phụ huynh và cả thiếu nhi dễ tham khảo. Ở Việt Nam, mới có NXB Kim Đồng và NXB Trẻ tiên phong trong việc phân loại sách theo độ tuổi đọc. Ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ, cho biết nghiệp vụ này sẽ bắt đầu áp dụng cho truyện tranh của NXB Trẻ từ ngày 1-6 năm nay, tạm gọi là “Dán nhãn cấp độ đọc”. Vắn tắt như sau: T1 (thiếu nhi), T2 (tuổi teen), T3 (tuổi trưởng thành) và How (truyện tranh về kiến thức khoa học).
TS Quách Thu Nguyệt và nhà thơ Cao Xuân Sơn đồng quan điểm cho rằng không đợi đến một pháp lệnh nào bắt buộc, xuất phát từ lương tâm, trách nhiệm của người làm xuất bản, chúng ta nên xem đây là việc phải làm.
Nguồn: Sưu tầm